Thứ Tư, 4 tháng 3, 2020

TUỆ SỸ: SAU LƯNG NGÔN NGỮ CỦA THI CA 

Tự tại - Photo: Quang Vu's fb.


SAU LƯNG NGÔN NGỮ CỦA THI CA


TUỆ SỸ


THỆ GIẢ NHƯ TƯ PHÙ? BẤT XẢ TRÚ DẠ!


Trôi hoài biền biệt như vậy sao? Ngày đêm không ngơi nghỉ! Dòng nước Hoàng Hà cứ trôi mãi, mang hết tính chất đời sống của người Trung hoa đổ vào biển. Người ta bắt gặp trong thi ca của họ bàng bạc những cánh nhạn lẻ loi trong bóng chiều tà ý nghĩa biến dịch trở thành mối ngậm ngùi của tuế nguyệt. Trong cuộc lữ; người đi còn có hẹn ước trở về; nhưng năm tháng trôi qua như con chim đã đốt tổ bay đi, không còn cơ hội nào để trở lại nữa:
Nhân hành đo khả phục
Tuế hành na khả truy?
(Tô Đông Pha)
Lòng sông càng lúc càng rộng; lòng người càng lúc càng nhỏ hẹp; nhỏ cho vừa những quy ước giới hạn của ngôn ngữ. Làm thế nào để được như mặt hồ trên đỉnh núi, đem lòng trống ra mà đối đãi với mọi người? Làm thế nào để có thể nói cạn những gì cần phải nói, và sau đó là sống bằng hơi thở của trời đất?
Đấy là những ý tưởng gợi hứng từ Kinh Dịch: cùng lý tận tính dĩ tri vu mệnh.
Nơi đây, người viết chỉ cố ghi lại một vài hình ảnh rải rác trong thi ca của Trung hoa. Đối với họ, thi ca là những khát vọng thầm kín được phát hiện thành lời; phát hiện theo tiết điệu nhịp nhàng của vũ trụ. Điều này cũng được ghi lại trong Kinh Dịch: Thám trách sách ẩn, câu thâm trí viễn, dĩ định thiên hạ chi cát hung. Bươi móc những gì đang lẩn khuất, thăm dò cho thấu đáo những gì trong sâu xa. Qua câu nói ấy, người ta muốn biết bởi sự thúc đẩy nào mà từ thế hệ này sang thế hệ khác, người ta tiếp nối nhau mà nói, nói hoài không thôi; nói đủ mọi cách, và hầu như không cần biết trong những điều được nói có gì mới lạ hay không:
(Mỗi Phùng Thục tẩu đàm chung nhật)
Tiện giác Nga Mi thúy tảo không.
(Tô Đông Pha)
Sau một ngày dài nói chuyện mới hay rằng lời nói của mình như ngọn núi Nga Mi xanh biếc quét mãi bầu trời.
Hình ảnh của ngọn Nga Mi xanh biếc quét mãi bầu trời, hay hình ảnh những dấu chân của một đàn chim bay ngang qua hư không; đó là những hình ảnh biểu tượng cho tác dụng của ngôn ngữ thi ca. Tác dụng của nó như muốn khuấy động thế giới hư vô tịch mịch: tác dụng không vết tích; vì là nơi chốn tận cùng của cuộc lữ. Cuộc Lữ của năm tháng phiêu du; Cuộc Lữ của một hạt bụi lăn lóc:
Sinh giả vi quá khách
Tử giả vi qui nhàn
Thiên địa nhất nghịch lữ
Đồng bi vạn cổ trần.
(Lý Bạch)
Sống là khách qua đường. Chết là kẻ trở về. Trời đất như một quán trọ, cảm thương hạt cát nghìn đời lăn lóc. 
Trong cuộc lữ ấy, một tiếng nói chưa đủ; nói bằng đôi môi “ngọt ngào” chưa đủ; nói cho đến “bốn dây rỉ máu năm đầu ngón tay” cũng chưa đủ, nói cho đến một cánh hoa “thiên kiều bá mị” phút chốc rơi xuống lòng sông lạnh “vô thanh vô tức”, có lẽ cũng chưa đủ:
Tay cầm cung bực xô ngang
Nửa chừng dâu biển lấy ngàn ước mong
(Bùi Giáng)
Và như vậy, trong cõi đời rong chơi của chúng ta, tiếng cười càng lúc càng nhỏ và vắng bặt, chỉ còn lại khoảng trống hiu hắt không nói không cười. Lặng lẽ như từng lớp phấn liễu vơi dần theo cơn gió; để cho hương sắc thanh xuân tản mác vào những cánh đồng cỏ non trên nghìn bến nước. 
Có hai hình ảnh quen thuộc gợi lên ý tưởng biến dịch; như dòng sông và như ngọn lửa bốc cháy trên đỉnh núi. Mỗi hình ảnh lại gợi lên một ý nghĩa tương phản: tác thành và hủy diệt. Trời đất như đã thay loài người nói lên ý nghĩa cứu cánh của sự sống, nói bằng một thứ tiếng riêng biệt: tiếng nói thầm lặng, hay tiếng nói của sự im lặng.
Sức mạnh của con người không nằm trong chính nó. Ước vọng thâm thiết nhất của con người cũng không nằm trong chính nó. Mùa xuân, mùa của sức sống xinh tươi, không đọng lên trên đôi mắt. Qua đôi mắt, người ta tìm thấy khát vọng thanh xuân vì nơi đó phản chiếu bóng mờ những phấn liễu, phản chiếu hình ảnh của một dòng nước lượn quanh. 
Rốt cuộc, cuộc đời của người ta giống như cái gì? Nhân sinh đáo xứ tri hà tợ? (Tô Đông Pha) cũng nên nghĩ là giống như một cánh nhạn bay qua dòng sông, bóng nhạn in vào lòng nước. Bóng, nhạn và dòng sông trong bước tao ngộ tình cờ:
Nhạn quá trường giang
Ảnh trầm hàn thủy
Nhạn vô di tích chi ý
Thủy vô lưu ảnh chi tâm
Một thiền sư Việt Nam trước đây đã nói như vậy.
Tao ngộ tình cờ rồi tan rả và biến mất. Cũng nên nghĩ là biến mất trong cơn nắng chiều mòn mỏi, hay biến mất trong lớp sa mù của buổi sáng (Cao nguyên):
Em về giũ áo mù sa
Trút quần phong nhụy cho tà huy bay.
Một thi sĩ Việt Nam ngày nay cũng đã nói như vậy.
Người không gặp người trong gang tấc “mặt nhìn mặt”. Gặp nhau trong những hẹn ước thiên thu của đỉnh đá trên núi này và một hạt muối trong lòng biển xa xôi kia. 
Và đây cũng là đạo lí tự nhiên: đôi mắt của chúng ta chỉ có thể mở ra để nhìn theo một chiều hướng duy nhất. Muốn thay đổi chiều hướng thì phải thay đổi cả tư thái và vị thế. Quả thật, chúng ta muốn vượt qua những giới hạn cá biệt, để làm gì? Để: “bước đi nhặt cánh sao rơi” ở một đại dương heo hút kia?
Go and catch a falling star
(T. Doun)
Hay để thấy rằng thân thể của mình cũng bao la vô tận như hư không; thấy cả vũ trụ như thấy một quả xoài trong tay?
Nếu chưa vượt qua khỏi những giới hạn cá biệt; cái ước mong này cũng chỉ là một thứ ước mong cá biệt. Giới hạn cá biệt càng lúc càng khép kín.; người ta bỗng cảm khái như một hạt cát lăn lóc trong sa mạc. Những gì cần thấu hiểu phải được phân phối thành thật tự theo quy ước của thế giới cộng đồng.  Chúng phản chiếu lẫn nhau trong thế giới biến động vô cùng vì là tương giao vô tận của một động một tĩnh. 
Thế là vì muốn thấy và hiểu nên cần có phân tích và trật tự của phân tích. Nhưng cũng muốn sống bằng tất cả tâm tình ẩn khuất của mình, nên ước ao nói bằng những lời không nói của vạn hữu. Tất cả những ước muốn đó được kết tụ lại như để phóng tầm mắt, vào một thế giới tuyệt đối. Đằng sau những lời đã nói, chúng ta còn lại một câu hỏi: khát vọng sâu xa nhất trong lòng mình là gì?
Dục thức triều đầu cao kỷ hử
Việt sơn hồn tại lãng hoa trung
(Tô Đông Pha)
Muốn đo chiều cao của ngọn sóng cao được bao nhiêu, thì nên biết, đã từng vượt qua đỉnh núi nhưng lại y nhiên chìm đắm trong những con sóng dạt dào. 



Nhã Luân đánh máy lại từ Trần Đăng Thành's fb - #‎sau_lưng_ngôn_ngữ_của_thi_ca_tuệ_sỹ

Thứ Sáu, 7 tháng 9, 2018

Bên Quán Cà Phê -Bùi Giáng



     Bên Quán Cà Phê
                                                                Bùi Giáng 



Cà phê vô tận mưa nguồn
Thành thân vô lượng vui buồn gọi nhau
Em đi ngõ trước vườn sau
Chào Xuân đâu biết niềm đau mưa nguồn

Niềm vui bất tuyệt cứ tuôn
Xuân xanh bát ngát rẩy run phập phồng
Sát-na hiện tại phiêu bồng
Này băng tuyết nở muôn hồng tương lai 

Cà phê nhớ buổi hôm nay
Chén trà xin hẹn ngày rày năm sau
Ông từ vĩnh biệt tiêu tao
Buồn vui vô tận chiêm bao chập chờn.

Thứ Tư, 29 tháng 8, 2018

Lời Mẹ Ru

LỜI MẸ RU


Đục trong

đời có đôi dòng,
thanh hương của mẹ
từ lòng đất ra.

Mẹ yêu
vượt mấy thiên hà,
Mẹ yêu vượt cả
hằng sa mạch nguồn.

Mẹ yêu
thấm mát càn khôn,
mát đời con giữa
sóng cồn bể dâu
Mẹ yêu

bắc một nhịp cầu
đưa con vượt khỏi

nỗi sâu thế gian.

Mẹ ru
tình ngập nắng vàng,
Mẹ ru tình ngập
ba ngàn đại thiên.
À ơi,
tình sạch ưu phiền,
bình yên từ cõi
chân nguyên vọng về...
À ơi, ơi à, à ơi...

Thơ: Tuệ Nguyên - Thích Thái Hòa
Trích Trong Tập Thơ: Như Dấu Chim Bay

Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2012

Vu Lan 2012





                                                                                           SỰ - LÝ TRÒN ĐẦY

" Ta đi khắp nẻo đường đời
Nhưng chưa đi hết những lời mẹ ru"
Trong cuộc sống đời thường , chúng ta đôi khi chỉ  là “sự” mà quên đi “lý” hay có những lúc chỉ là “lý” mà “sự “  thì bỏ ngõ phía sau lưng. Trên thực tế, mỗi kết quả chúng ta mong mang lại sự khả quang, mỹ mãn thì cần phải có cả "LÝ và SỰ" nếu SỰ mà không có Lý chỉ là những thao tác thuần thục có ý thức, nhưng ngược lại LÝ mà không có SỰ thì chỉ là nhưng ý niệm được khơi dậy mà chưa được biểu hiện qua sự Hành . 
Chúng ta, ít nhiều cũng đã rơi trong những tình cảnh ấy; với những người chúng ta có cảm nhận thân thiết, sự yêu thương chín mùi thì chúng ta thường nói những lời  thương yêu một cách mạnh dạn. Nhưng ngược lại, với Mẹ và Cha là đấng sanh thành, là biển trời tình thương cho mỗi chúng ta, một thứ tình thương mà cho đi không cần đòi trở lại, một thứ tình thương không có đặt điều kiện. Ấy vậy mà không ít chúng ta e dè, ngại ngùng khi nói lên lời yêu thương với Cha và Mẹ. Mặc dù chúng ta luôn nuôi dưỡng ý niệm kính yêu Mẹ Cha, nhưng với những lời yêu thương đã nuôi dưỡng ấy chúng ta chỉ thể hiện qua "lý" ( ý niệm thương kính mẹ cha)thôi chứ chưa thể hiện qua "sự"( thể hiện qua những việc làm, lời nói yêu thương..) hay ngược lại.
Nhận thấy được tinh thần đó, Anh Chị Trưởng Trúc Lâm đã ít nhiều thấm nhuần, trãi nghiệm, và mong có cả SỰ và LÝ một cách tròn đủ cho" Mình "cho" Em Mình" và cho "Gia Đình Mình". Trong những  năm tháng qua, nhất là vào mỗi dịp  Lễ Vu Lan – Báo Ân Cha Mẹ, hay Trúc Lâm thường gọi là Lễ Báo Hiếu Hiện Tiền; các anh chị đã khơi nguồn, chỉ bày cho các em của mình viết những lời yêu thương một cách chân thành mộc mạc qua những tấm thiệp giản đơn, nhưng chứa đựng một ý nghĩa tuyệt vời, để có cơ hội kính dâng lên Mẹ và Cha của mình;hay xúc cảm hơn nữa là từ trên các Anh Chị Trưởng đến các em Oanh Vũ đều tuần tự kính dâng lên Mẹ Cha mình lời thương kính chân thành kèm theo những tiếng nấc nghẹn ngào của sự cảm xúc trào dâng, những bàn tay nắm chặt bàn tay, những cái ôm sửi ấm tình Gia Đình, những bàn tay triều mến xoa đầu trẻ một cách tình thương.
Thật là một việc rất có ý nghĩa, hết sức sống động và tuyệt vời. Chính những hình ảnh ấy đã nuôi dưỡng thêm trong tôi những giá trị tinh thần miên viễn, những hình ảnh sống động tuyệt vời, những ấn tượng khó phai và đã không ít lần tôi không kiềm được nước mắt và đã hòa mình vào dòng chảy tình thương triều mến của Cha và Mẹ tại thời khắc ấy. Hơn ai hết tôi cũng thèm đặt mình như từng Oanh Vũ ấy hay như hình ảnh người con trong tác phẩm "Bông Hồng Cài Áo". "... rồi một chiều nào đó con về ...nhìn thật lâu, nhìn thật lâu... và nói...  biết là biết là con thương mẹ Không?!".
Vì vậy, mỗi chúng ta luôn có những ý niệm "sự lý" này một cách thuần thục và hiển bày trong những tháng ngày hạnh phúc bên Mẹ Cha để vượt qua tâm trạng :
  "Con sẽ không đợi một ngày kia
Khi Mẹ mất đi mới giật mình khóc lóc,
Những dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ?
Con hốt hoảng trước thời gian khắc nghiệt
Chạy điên cuồng qua tuổi mẹ già nua
Mỗi ngày đi qua
Con lại thấy bơ vơ
Ai níu nỗi thời gian?
Ai níu nỗi?..".
  Chúc  GĐPT Trúc Lâm Mùa Vu Lan đầy Hiếu Hạnh !
                                                                           Mùa Vu Lan - Chicago,2012.
                                                                                 Thông Viên

Tiễn đưa


Tiễn sư Huynh
Chừ Huynh từ tạ lên đường
Còn tôi ở lại, dặm đường cách xa
Chừ nghe chuông lạnh hiên tà
Còn đâu dưa muối rau cà có nhau!
Chừ Huynh xa nửa địa cầu
Ôm tình Pháp Bảo trong màu Như Lai

Chừ Huynh từ tạ lên đường 
Ngày sau trở lại… mười phương gió vàng.

 Vũ Tâm – Hội An , 19/4/2007 (3/3/ Đinh Hợi)

Bài Thơ Nhỏ Tiễn Thầy

Kính tặng thầy Thông Viên

Tiễn Thầy đi, lòng buồn vui lẫn lộn
Chia ly nào chẳng nhốm chút bâng khuâng
Dẫu vẫn biết hơp tan đời dâu bể
Cuộc vô thường giữa dòng chảy miên man.

Xa Pháp Bảo , với tháng ngày thân ái
Dễ gì quên bao kỉ niệm êm đềm
Trời Mỹ quốc chập chùng sương tuyết phủ
Hẳn nghe buồn bao nỗi nhớ không tên

Nhưng chánh pháp là của toàn nhân loại
Đất trời Tây cần ánh đạo quang minh
Duyên đã đến, chúc Thầy tâm an lạc
Tinh tấn tu hành, hoằng pháp độ sanh.

Thầy sẽ học điều hay từ xứ lạ
Về điểm tô văn hóa nước non nhà
Và gieo giống Bồ Đề nơi đất khách
Đóa Ưu Đàm sẽ tỏa ngát hương hoa
 Nơi phố cổ, nhóm Hương Sen Pháp Bảo
Ngày lẫn đêm vẫn luôn nhớ thương thầy
Xin cầu nguyện trên hồng ân Chư Phật
Hộ trì Thầy hỉ lạc, gặp duyên may.

Ngày tái ngộ hẳn tràn đầy hạnh phúc
Quà, đô la hãy nhớ Doãn Lê này
Bài thơ nhỏ ghi chút tình thắm thiết
Kính chúc Thầy thượng lộ được bình an.
 Doãn Lê – Hội An, 19/4/2007

Thứ Ba, 16 tháng 10, 2012

Tiễn người đi





      Tiễn người đi .
* Sư Phụ tặng trước lúc đi xa












Ngày con đi viết đôi lời đưa tiễn

Chúc cho con vạn sự được an lành
Là người tu đừng để vướng lợi danh
Giữ tâm ý được luôn luôn thanh tịnh
Dù thế nào cũng đừng nên dua nịnh
Bỏ quên mình theo bã lợi trần gian
Trên bước đường  dù sung sướng - gian nan
Luôn ghi nhớ: mình người tu Phật giáo
Luôn tâm niệm mình là người có đạo
Hòa bất đồng trong cuộc sống xã giao
Luôn giữ mình trong nếp sống thanh cao
Giới luật Phật đừng để đi xa quá
Trong giao tiếp dùng từ bi hỷ xã
Nhiếp hóa người cho rạng đạo Như Lai
Hy vọng rằng trong một sáng ngày mai
Ánh đạo sẽ huy hoàng nơi xứ lạ
Muốn thành công phải gian lao, con ạ !
Bao anh hùng đều nếm trãi đau thương
Muốn thành công thì chỉ có một đường
Vui gian khó, không hy cầu an lạc
Không mất mình vì lợi danh, tiền bạc
Và cuối cùng là nếp sống nhà tu 
Giữa phồn hoa gắng giữ nếp thanh u
Của một đấng Như Lai chân trưởng tử.

                          Hội An, 19/04/2007 ( 3/3/ Đinh Hợi)
                                        Kim Tâm

 .

TUỆ SỸ: SAU LƯNG NGÔN NGỮ CỦA THI CA  Tự tại - Photo: Quang Vu's fb. SAU LƯNG NGÔN NGỮ CỦA THI CA TUỆ SỸ THỆ GIẢ...